Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Trung tâm ẩm thực Maxwell Road Hawker Centre

Bạn hãy cảm nhận một trải nghiệm ăn uống đậm chất Singapore bằng cách thưởng thức bữa ăn tại một trung tâm ẩm thực. Tọa lạc ngay tại trung tâm Khu Chinatown, Maxwell Road Hawker Centre có hơn 100 quầy hàng tạo nên một trong những bộ sưu tập đa dạng các món ăn địa phương lớn nhất ở Singapore.

anuog

Du khách sẽ bị choáng ngợp và có chút lúng túng khi phải chọn lựa trước rất nhiều quầy hàng cùng với thực đơn đa dạng và hấp dẫn.

Một số món nên thử tại Khu Chợ Maxwell Road Hawker là cơm gà Tian Tian nổi tiếng, món cháo truyền thống với thịt heo và trứng bắc thảo từ quán Zhen Zhen Porridge và món hủ tiếu xào char kway teow từ quán Marina South Delicious Food.
GIỜ MỞ CỬA
8h sáng - 10h tối mỗi ngày
NGHỆ THUẬT ẨM THỰC
Địa phương
KHUNG GIÁ
S$10 - S$30
PHONG CÁCH
Hàng rong dân dã
KHÔNG GIAN
Ngoài trời, Gia đình, Nhóm khách đông
ĐẶC ĐIỂM
Bữa Sáng, Bữa Trưa, Bữa Tối, Ăn Chay, Món Ăn Đạo Hồi, Mang Đi
NÊN DÀNH CHO
Sự đa dạng các món ăn ngon của địa phương và khu vực
ĐỊA CHỈ
1 Kadayanallur St Singapore069184

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Hủ tiếu xào Char Kway Teow

Món hủ tiếu xào cực kỳ nổi tiếng này có một lịch sử rất thú vị. Ngày trước, hủ tiếu xào (Char Kway Teow) chủ yếu do những ngư dân và nông dân vào buổi tối để kiếm thêm thu nhập. Họ thường dùng những thức ăn thừa từ các bữa ăn để làm nên món ăn này, do đó nó có sự pha trộn rất nhiều nguyên liệu.

Hủ tiếu xào (Char Kway Teow), được hiểu nôm na là “những sợi bánh gạo xào”, được làm từ mì gạo cán dẹt (tương tự như món mì sợi Ý) xào lên dùng với nước sốt trắng hoặc sẫm màu, một chút belachan (sốt tôm), nước cốt me, giá, hẹ, lạp xưởng và sò. Theo công thức ban đầu, hủ tiếu gạo cũng được xào với mỡ heo và sử dụng những miếng tép mỡ giòn tan tạo ra một hương vị béo ngậy đặc trưng.


Trong những năm gần đây, món ăn này đã được cải tiến theo hướng có lợi cho sức khỏe hơn khi những đầu bếp cho thêm nhiều rau xanh và giảm bớt dầu mỡ. Điều này không chỉ làm cho món ăn tốt hơn cho sức khỏe mà rau xanh và giá còn mang đến vị tươi mát và giòn, làm tăng chất lượng cho món ăn được ưa chuộng từ xa xưa này. Tiếng chảo kêu lách tách khi mỡ sôi và mùi thơm tỏa ra từ món ăn sẽ kích thích tất cả các giác quan của bạn, từ thị giác đến khứu giác và thính giác và tất cả điều đó có thể diễn ra thậm chí trước khi bạn được thực sự nếm món ăn này!

Hủ tiếu xào (Char Kway Teow) có thể dễ dàng tìm thấy ở hầu hết các trung tâm ẩm thực ở Singapore như Trung tâm ăn uống Maxwell Road và đó cũng là món đặc sản tại Princess Terrace Café. Hãy chọn sò hoặc tôm để ăn kèm với đĩa hủ tiếu xào (Char Kway Teow) nóng hổi và ăn một bữa thịnh soạn để thỏa mãn vị giác của bạn. Nếu bạn đang trên đường tới vũ trường Zouk thì hãy ghé vào Trung tâm ăn uống Zion Road (không cần để ý đến quầy hàng ở đây, bạn cũng sẽ nhìn thấy ngay hàng dài các thực khách) để thưởng thức một đĩa hủ tiếu xào (Char Kway Teow) hảo hạng từ một quầy hàng có tiếng ở đây.

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Giải trí với rạp chiếu phim 4D ở Singapore

Đảo Sentosa ở Singapore là nơi có rạp chiếu phim 4D Magix đầu tiên tại Đông Nam Á. Hãy để mọi giác quan của bạn thăng hoa và tận hưởng một trải nghiệm thật tuyệt vời với những bộ phim tương tác có một không hai tại đây.

4d

Với công nghệ ánh sáng và âm thanh thường chỉ có tại các công viên giải trí nổi tiếng thế giới như Universal Studios, bạn sẽ phải kinh ngạc trước các hiệu ứng sống động tại Sentosa 4D Magix. Tại đây, bạn sẽ được tham gia trò chơi săn tìm kho báu 4D, bước vào thế giới khắc nghiệt của cướp biển, giải tìm kho báu, thám hiểm những hang động kỳ quái và chinh phục những cạm bẫy chết người.

Nếu không hứng thú với trò chơi cướp biển, bạn có thể nhập vai vào một bộ phim phương Tây cổ xưa như cảnh đấu súng ở Miền Tây hoang dã trong Desperados với tên quận trưởng và những kẻ phò tá của hắn.
GIỜ MỞ CỬA
10h sáng - 9h tối hàng ngày
PHÍ VÀO CỬA
Người lớn: $18Trẻ em: $11
ĐẶC ĐIỂM
Phù hợp với gia đình, Công viên theo chủ đề
TỐT CHO
Giải trí
DÀNH CHO
Cảm giác mạnh
ĐỊA CHỈ
51B Đường Imbiah SentosaSingapore 099708
Phone(65) 6274 5355

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Avalon trải nghiệm cuộc sống về đêm sôi động

Nhịp điệu dồn dập, khung cảnh nóng bỏng và những đêm tiệc hoành tráng. Sẵn sàng cho một dạ tiệc thật đặc biệt? Bước vào Avalon, một trong những tụ điểm nóng bỏng nhất Hollywood để hòa mình vào không khí tiệc tùng ở Singapore.

Tọa lạc tại South Crystal Pavilion nổi của tòa biểu tượng Marina Bay Sands, Avalon hướng ra quang cảnh đầy mê hoặc của đường chân trời đảo quốc. Vượt qua dải băng nhung, câu lạc bộ hai tầng rộng hơn 5.000 mét vuông kiêu hãnh với hệ thống laser màu rực rỡ tiên tiến nhất và công nghệ chiếu hình nổi 3D mapping và nội thất cao cấp, sành điệu. Được thiết kế bởi hãng nội thất lừng danh Roman and Williams, Avalon lấp lánh với màn trình diễn ánh sáng pha lê kỳ ảo.

Avalon

Nếu với bạn, tiệc tùng có nghĩa là “chơi hết mình”, bạn sẽ vui sướng khi biết Avalon nổi tiếng với những trải nghiệm về đêm đẳng cấp thế giới.

Nhà đồng sáng lập Avalon, chuyên gia câu lạc bộ Steven Adelman từng nói, “Avalon đã tổ chức sự kiện cho hầu hết những ngôi sao như The Black Eyed Peas, Ashton Kutcher, Cameron Diaz, Drew Barrymore, Pink và nhiều tên tuổi khác. Trong số những buổi tiệc được tổ chức tại câu lạc bộ của chúng tôi tại Los Angeles có cả tiệc chiêu đãi hậu Grammy hàng năm của Justin Timberlake. Tại Singapore, chúng tôi đang xây dựng hệ thống hình ảnh, ánh sáng và âm thanh hiện đại nhất từ trước đến nay. Sự kết hợp giữa đẳng cấp ngôi sao của Avalon và cấu trúc biểu tượng của Marina Bay Sands sẽ tạo nên một sân khấu hoành tráng cho những buổi tiệc lớn nhất châu Á.”

Với Louis Vuitton Island Maison và chuỗi nhà hàng sao Michelin chỉ cách đó không xa, Avalon là nơi mang đến cho du khách trải nghiệm cuộc sống sôi động bậc nhất tại Marina Bay Sands.

GIỜ MỞ CỬA
10h tối trở đi
CHI PHÍ
Từ $50
PHÍ VÀO CỬA THÔNG THƯỜNG
$25 - $35
KHÔNG GIAN
Sôi động
THỂ LOẠI ÂM NHẠC
Từ nhạc tự do cho đến nhạc dance điện tử
ĐẶC ĐIỂM
Yếu tố: Avalon là khu giải trí phức hợp hai tầng rộng 5.000 mét vuông, không những là nơi tuyệt vời cho bạn một trải nghiệm cuộc sống về đêm sôi động nhất mà còn là điểm dừng chân cho những đêm nhạc và sự kiện đặc biệt.Dịch vụ: Nữ phục vụ rượu đến từ Mỹ và nữ phục vụ đặc biệt dành riêng cho những bàn có yêu cầu.Thức uống: Avalon đã pha chế một loại thức uống đầy năng lượng được đặt tên là POP! Hãy gọi Vodka POP! và thỏa thích tiệc tùng thâu đêm.
DÀNH CHO
Tận hưởng buổi tối cùng bạn bè với âm nhạc và sự sôi động tuyệt vời giữa khung cảnh thơ mộng của đường chân trời đảo quốc.
ĐỊA CHỈ
South Crystal Pavilion Marina Bay Sands Số 2 Đại lộ BayfrontSingapore 018972
Phone(65) 6688 7448

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

Lễ hội Deepavali

Lễ Hội Deepavali, nghĩa đen là "hàng ánh sáng" được những người Hindu mộ đạo trên khắp thế giới tổ chức và là lễ hội quan trọng nhất theo Đạo Hindu. Tại Singapore, Lễ Hội Ánh Sáng - tên gọi trìu mến của Lễ Hội Deepavali rơi vào quý cuối cùng của năm và là ngày nghỉ lễ tại Singapore.
Ý nghĩa của lễ hội là nhằm tôn vinh sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác, của ánh sáng trước bóng tối. Lễ hội gắn liền với rất nhiều truyền thuyết, phổ biến nhất trong số đó là truyền thuyết Narakasura giành được sự ủng hộ của Thần và được ban cho trị vì cả vương quốc. Thần dân dưới ách cai trị bạo ngược của Narakasura, đã tìm đến Thần Sri Krishna - vị thần trị vì xứ Madura, xin cứu giúp. Sau đó, Narakasura đã bị giết trong cuộc chiến với Thần Krishna. Khi Thần Krishna đang trên đường trở về, cả đất nước chìm ngập trong bóng tối vì đêm đó là đêm trăng non. Để soi đường, người dân đã thắp đèn nhằm chào đón và tôn vinh chiến thắng của Thần Krishna. Cho đến tận ngày nay, người Hindu vẫn tiếp tục kỷ niệm chiến thắng của Thần Krishna trước bạo chúa Narakasura bằng tập tục thắp đèn dầu.

devaleni

Trong lễ hội này, mọi người đều mặc quần áo mới và cùng thưởng thức bánh kẹo. Một số cộng đồng Ấn Độ còn bắt đầu tính năm tài chính từ ngày Lễ Hội Deepavali vì họ tin rằng như vậy sẽ mang lại cho họ sự thịnh vượng phát đạt. Cách ăn mừng truyền thống Lễ Hội Deepavali tại Singapore là nghệ thuật vẽ henna trên bàn tay. Henna là một loại cây có hoa dùng để nhuộm da, tóc, móng tay và thậm chí là da thuộc và len. Những hình xăm tạm thời này thường được các nghệ nhân trong nước thực hiện miễn phí.

Vào lễ hội này, các con đường tại Khu Tiểu Ấn được trang hoàng đầy nghệ thuật và lộng lẫy với nhiều màu sắc lễ hội, hoàn toàn lột xác nhờ vào các ánh đèn và các vòng cung sống động nhiều màu. Các phiên chợ lễ hội cùng vô số các hoạt động văn hóa như Triển Lãm Di Sản và Thủ Công Ấn Độ, Lễ Diễu Hành Đường Phố, Buổi Hòa Nhạc Đếm Ngược Thời Gian Đến Lễ Hội cũng sẽ được tổ chức. Các gian hàng lễ hội được trang trí với hoa thơm, vòng hoa sử dụng trong lúc cầu nguyện, đèn dầu truyền thống và trang phục Sari tuyệt đẹp với họa tiết gấm thêu tinh tế có đính đá quý vô cùng lộng lẫy. Nhiều trang phục, trang sức trang phục tinh xảo cùng các tác phẩm nghệ thuật và thủ công truyền thống đầy màu sắc của Ấn Độ cũng được bày bán. Trong dịp này, khách tham quan còn có cơ hội nếm thử vô vàn các món đặc sản Ấn Độ.

Nếu muốn đắm chìm trong nền văn hóa phong phú của Ấn Độ, hãy ngồi tại một quán cà phê dọc Khu Tiểu Ấn và gọi teh tarik (trà sữa sủi bọt). Hãy ngắm nhìn đám đông tấp nập, bận rộn trên các con đường và trong các cửa hàng. Hãy đến và tận mắt chứng kiến xem khu vực giàu di tích lịch sử này chuyển mình như thế nào vào lễ hội Deepavali.

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Nhà hàng Au Jardin ở Singapore

Tọa lạc giữa những tán lá xanh um tùm của Vườn Bách thảo Singapore Botanic Gardens, Au Jardin một nhà hàng sang trọng phục vụ các món ăn Pháp. Nhà hàng nằm trong một ngôi nhà kiểu bungalow thời thuộc địa từ những năm 1920 được trang hoàng lại tuyệt đẹp, với phòng ăn nằm ở tầng trên và khu vực ăn uống riêng tư nằm ở tầng trệt. Ngoài ra, thực khách còn được dùng bữa ngoài trời tại các khoảng sân trong khu vườn.

Au Jardin mang đến cho thực khách một nhà hàng tương tự như chuỗi nhà hàng ‘Relais et Chateaux’ tại Châu Âu, trưng bày tranh vẽ của nhiều nghệ sĩ địa phương nổi tiếng như Chua Mia Tee.

Jardin

Nhà hàng cao cấp này đã giành vô số giải thưởng của các tạp chí như Wine & Dine, Wine Spectator và Conde Nast Traveller. Au Jardin cũng đã từng nhận Giải thưởng xuất sắc ‘Nhà hàng của Năm’ của Lễ hội Ẩm thực World Gourmet Summit 2004 và 2005.

Với thực đơn gồm các món ăn Pháp đương đại, Au Jardin mang đến thực đơn các món cố định dùng chung với rượu cũng như các bữa sáng muộn bán tự chọn vào các ngày thứ Sáu và Chủ Nhật. Sự kết hợp giữa ẩm thực Pháp sang trọng, rượu vang hảo hạng cùng cung cách phục vụ tuyệt vời đã khiến cho nhà hàng yên tĩnh này trở thành điểm đến lý tưởng cho các bữa tối lãng mạn cũng như cho các dịp ăn mừng đặc biệt.

GIỜ MỞ CỬA
Bữa trưa
Thứ Ba đến Chủ Nhật: 12h trưa đến 2h chiềuBữa tối
Thứ Ba đến Chủ Nhật: 6h30 tối đến 9h30 tối
Bữa nửa buổi Chủ Nhật: 11h30 sáng đến 2h chiều
ẨM THỰC
Pháp
NGÂN SÁCH
$50 trở lên (một người)
PHONG CÁCH
Ẩm thực cao cấp
KHÔNG GIAN
Ngoài trời, Lãng mạn
ĐẶC ĐIỂM
Bữa sáng, Bữa trưa, Bữa tối
DÀNH CHO
Buổi hẹn đầu tiên, Bữa sáng muộn
ĐỊA CHỈ
Số 1 Đường Cluny, EJH Corner House
Vườn Bách thảo Singapore Botanic Gardens Trung tâm Du khách
Singapore 259569
Phone(65) 6466 8812

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Sơ lược lịch sử Singapore

Mặc dù những bản ghi chép đầu tiên về lịch sử Singapore đã bị phai nhòa theo thời gian, một tài liệu tiếng Hoa vào thế kỉ thứ 3 đã miêu tả mảnh đất này là “Pu-luo-chung”, hay còn gọi là “Hòn đảo ở tận cùng bán đảo”. Sau đó, khi những cộng đồng cư dân đầu tiên được hình thành từ năm 1298 đến năm 1299 trước Công nguyên thì mảnh đất này được biết đến với tên gọi là Temasek (nghĩa là “Thị trấn biển”).

Vào thế kỉ 14, hòn đảo nhỏ bé nhưng có vị trí chiến lược này đã có tên mới. Theo truyền thuyết, chàng Sang Nila Utama, một hoàng tử đến từ xứ Palembang (thủ đô của Srivijaya) trong chuyến đi săn đã gặp một con vật lạ mà chàng chưa bao giờ nhìn thấy. Coi đó là điềm lành, chàng liền đặt cho thành phố nơi xuất hiện con vật lạ cái tên là “Thành phố Sư tử” hay Singapura, mà theo tiếng Sanskrit thì “simha” có nghĩa là sư tử, còn “pura” có nghĩa là thành phố.

Singapore

Vào thời gian đó, thành phố này được trị vì bởi 5 vị vua của Singapura cổ đại. Nằm ở vị trí địa đầu của bán đảo Mã Lai, là điểm quy tụ tự nhiên các dòng hải lưu, đất nước này đã đóng vai trò là một khu buôn bán nhộn nhịp với vô số các loại tàu buôn trên biển, từ các ghe thuyền của người Trung Quốc, tàu lớn của người Ấn Độ, thuyền buồm của người Ả Rập, tàu chiến của người Bồ Đào Nha cho đến những thuyền buồm dọc của người Bugis.

Giai đoạn quan trọng tiếp theo trong lịch sử Singapore là vào thế kỉ 19, thời điểm đất nước Singapore hiện đại được hình thành. Vào thời gian này, Singapore đã sớm trở thành cửa ngõ thông thương dọc theo eo biển Malacca, và người Anh đã nhận ra nhu cầu cần có một cảng biển cho toàn vùng. Những thương nhân Anh cần một vị trí chiến lược để nghỉ ngơi và bảo vệ đội thương thuyền của một đế chế đang ngày càng hùng mạnh, cũng như ngăn chặn nguy cơ cạnh tranh của người Hà Lan trong vùng.

Khi đó, tỉnh trưởng của vùng Bencoolen (ngày nay là Bengkulu) ở xứ Sumatra là ngài Thomas Stamford Raffles đã đặt chân đến Singapore vào ngày 29/1/1819, sau một cuộc khảo sát các hòn đảo xung quanh. Nhận ra tiềm năng lớn của một hòn đảo bị bao phủ bởi đầm lầy, ông liền thương thảo một hiệp ước với những người trị vì khu vực này và xây dựng Singapore thành một trung tâm thương mại. Không lâu sau, chính sách tự do buôn bán của hòn đảo đã thu hút rất nhiều thương nhân từ khắp Châu Á và các miền đất xa xôi như Mỹ và vùng Trung Đông.

Vào năm 1832, Singapore đã trở thành trung tâm hành chính của Khu Định cư Eo biển Penang, Malacca và Singapore. Cùng với việc khai thông kênh đào Suez vào năm 1869 cũng như việc phát minh ra máy điện báo và tàu thủy chạy bằng hơi nước, Singapore ngày càng trở nên cực kì quan trọng với vai trò là cửa ngõ thông thương nối liền phương Đông với phương Tây. Cho đến năm 1860, dân số của đất nước thịnh vượng này từ con số chỉ 150 người vào năm 1819 đã tăng lên thành 80.792 người, chủ yếu là người Hoa, Ấn Độ và Mã Lai.

Thế nhưng vào Thế chiến thứ II, cuộc sống hòa bình và thịnh vượng của mảnh đất này đã bị hủy hoại, mở màn bằng cuộc tấn công bằng máy bay của quân Nhật vào ngày 8/12/1941. Và khi được nhận thấy là một pháo đài vô cùng vững chắc có tầm ảnh hưởng chiến lược, Singapore đã bị quân Nhật xâm chiếm vào ngày 15/2/1942. Singapore đã bị Nhật chiếm đóng Singapore trong vòng 3 năm rưỡi, khoảng thời gian đánh dấu sự đàn áp dã man đã cướp đi vô vàn mạng người.
Khi quân Nhật đầu hàng vào năm 1945, mảnh đất này đã rơi vào tay Chính quyền Quân sự Anh, cho đến khi Khu Định cư Eo biển gồm Penang, Melaka và Singapore giải tán. Vào tháng 3 năm 1946, Singapore trở thành một Thuộc địa Hoàng gia Anh

Vào năm 1959, sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc đã hình thành chế độ tự trị ở quốc gia này và cuộc tổng tuyển cử đầu tiên đã diễn ra. Đảng Nhân Dân Hành Động (PAP) đã giành được 43 ghế và Ông Lý Quang Diệu trở thành thủ tướng đầu tiên của Singapore. Vào năm 1961, Singapore sát nhập vào Malaya và hợp nhất với Liên bang Malaya, Sarawak và Bắc Borneo thành nước Malaysia vào năm 1963. Tuy nhiên, cuộc hợp nhất không đạt được nhiều thành công và gần 2 năm sau đó, cụ thể là vào ngày 9 tháng 8 năm 1965, Singapore đã tách khỏi Malaysia và trở thành một quốc gia độc lập với nền dân chủ có chủ quyền lãnh thổ. Vào ngày 22 tháng 12 năm đó, Singapore cuối cùng đã chính thức trở thành một nước Cộng hòa độc lập.

Ngày nay, bạn có thể chiêm ngưỡng các di sản lịch sử phong phú của Singapore qua các chuyến thăm tới nhiều công trình kỷ niệm, bảo tàng và các đài tưởng niệm quốc gia nằm xung quanh thành phố. Khi tới đây tham quan, bạn hãy nhớ đi bộ dọc theo một trong những khu di sản hoặc thăm những danh lam nổi tiếng để có được một chuyến đi với cảm nhận trọn vẹn về đất nước Singapore.